Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Tiên Lữ quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025
  09/10/2023     |  Lượt xem 2   

Chuyển đổi số phục vụ người dân và doanh nghiệp

Thời gian qua, Hưng Yên đã và đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) ở cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Trong ba trụ cột chính đó, tỉnh Hưng Yên xác định: Chính quyền số thực hiện sứ mệnh dẫn dắt chuyển đổi số. Với phương châm chuyển đổi số cần những “bước đi nhỏ nhưng tầm nhìn xa”, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 15/6/2021 về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 571/QĐ-UBND ngày 25/2/2022 phê duyệt Đề án chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản nhằm triển khai cụ thể hóa Nghị quyết của Tỉnh ủy, trong đó tập trung vào một số nội dung như: Triển khai thực hiện Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; Hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế; Thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số giai đoạn 2022-2025; Nâng cao hoạt động dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2022 - 2025; Kế hoạch Chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên năm 2022…

Đến nay, Chính quyền số được triển khai đồng bộ liên thông, thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp xã. Điều này đã làm thay đổi căn bản phương thức làm việc của các cấp ủy, chính quyền; góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các cơ quan nhà nước. Bộ thủ tục hành chính được cung cấp bằng hình thức trực tuyến đạt 77,8%. Tỷ lệ hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết theo hình thức trực tuyến đạt trên 80%, cao hơn trung bình của cả nước. Chỉ riêng việc gửi nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số ở 3 cấp ước tính đã tiết kiệm trên 15 tỷ đồng cho ngân sách. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh hiện có 172 điểm cầu được duy trì hoạt động ổn định. Năm 2022 gần 100 cuộc họp trực tuyến đã được tổ chức, góp phần hỗ trợ cho công tác chỉ đạo, điều hành các cấp được thuận tiện, nhanh chóng. Số lượng hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được số hóa đạt trên 95%. Hạ tầng thanh toán trực tuyến được triển khai đồng bộ, bước đầu triển khai đã có hơn 3.000 hồ sơ thực hiện thanh toán trực tuyến phí, lệ phí qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh. 100% doanh nghiệp của tỉnh đã sử dụng hóa đơn điện tử. Toàn tỉnh hiện có khoảng 410 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện dịch vụ công nghệ thông tin của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày một tăng cao. 100% thôn, xóm đã được phủ sóng thông tin di động; Tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt trên 85%; Tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 72,56%. 

Những kết quả trên đã góp phần làm giảm chi phí, tiết kiệm ngân sách, tăng hiệu lực quản lý nhà nước, đưa các chỉ số PCI, PAR Index, PAPI, SIPAS năm 2022 đều tăng so với năm 2021. Cụ thể: PCI xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố (tăng 25 bậc); PAR Index xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố; PAPI xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố; SIPAS xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố.

Để chuyển đổi số chuyển trọng tâm từ chính quyền sang người dân và trở thành nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh các chủ trương, chính sách trong chuyển đổi số phù hợp với thực tiễn, tập trung làm tốt việc huy động nguồn lực đầu tư, phát triển hạ tầng số; nâng cao chất lượng, tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến. Phát triển, kết nối, khai thác và sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu dùng chung; các nền tảng, hệ thống, ứng dụng công nghệ phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của chính quyền, đời sống Nhân dân và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Lựa chọn một số ngành, lĩnh vực có tác động trực tiếp vào khâu đột phá của tỉnh để tập trung thực hiện chuyển đổi số. Trong đó, xây dựng cơ sở dữ liệu số là yếu tố quan trọng để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của chính quyền số, dẫn dắt phát triển kinh số, xã hội số. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chuyển đổi số, nhất là ở cơ sở, từ đó đưa công nghệ số lan tỏa trong các tầng lớp Nhân dân; thực hiện các giải pháp hỗ trợ nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Với mục tiêu phát triển Chính quyền số để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, phát triển kinh tế số, xã hội số để cải thiện mức sống của người dân, xây dựng các doanh nghiệp có nội lực và khả năng cạnh tranh cao, nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới sẽ đạt được nhiều kết quả hơn nữa khi nó đã và đang được cả hệ thống chính trị tỉnh Hưng Yên quyết tâm thực hiện.

Nguồn tin: sotttt.hungyen.gov.vn